Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Phát hiện mới giữa bệnh béo phì và virut

Nhiều người hỏi bác sĩ có phải cha (hoặc mẹ) béo phì thì con béo phì? Hay vì chế độ ăn quá nhiều chất béo khiến số trẻ bị béo phì ngày càng tăng?

Đúng là béo phì là một hội chứng phức tạp, vì nguy cơ béo phì chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và di truyền. Nhưng gần đây nhiều nghiên cứu chỉ đến một yếu tố khá bất ngờ: đó là nhiễm vi khuẩn. Những nghiên cứu này đã mở ra một định hướng khoa học mới và giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về hội chứng béo phì.

Thủ phạm của cảm cúm liên quan đến béo phì!
Một trong những virut có liên quan đến béo phì là Andenovirus-36 (viết tắt Ad-36). Ad-36 là một trong 55 dạng virut thuộc chủng Adenovirus. Ad-36 được phát hiện từ thập niên 1970, là một virut có số phận khá đặc biệt vì chúng ta biết rằng Ad-36 là thủ phạm của cảm cúm và nhiễm mắt. Nhưng đến năm 2000, một nhóm nhà khoa học Mỹ để ý thấy khi chuột, gà và khỉ bị nhiễm Ad-36, chúng trở nên béo phì nhưng nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu lại suy giảm.
Điều đáng chú ý là những động vật này có chế độ ăn uống giống nhau và vận động thể lực cũng tương đương nhau.


Trong một loạt thí nghiệm kế tiếp, các nhà khoa học ghi nhận rằng ở gà và chuột bị nhiễm Ad-36, tỉ lệ béo phì tăng lên khoảng 60-70%, nhưng ở khỉ thì tỉ lệ có khi lên đến 100%. Và một lần nữa, trong khi béo phì tăng thì nồng độ cholesterol và triglyceride giảm.

Mối liên quan giữa virut Ad-36 và béo phì cũng được phát hiện ở người. Hai nghiên cứu tiếp theo vào năm 2005 trên 500 người cho thấy ở người béo phì tỉ lệ nhiễm Ad-36 là 30%, cao gần ba lần so với tỉ lệ ở nhóm bình thường (11%).

Một nghiên cứu mới được công bố cung cấp cho chúng ta bằng chứng về mối liên quan giữa Ad-36 và béo phì ở trẻ em. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu chọn 67 em béo phì và 57 em có trọng lượng bình thường, tất cả trong độ tuổi 8-18. Trong nhóm béo phì, có 15 em (tỉ lệ 22%) nhiễm Ad-36, trong nhóm bình thường chỉ có 4 em (7%) nhiễm Ad-36.

Nói cách khác, tỉ lệ nhiễm Ad-36 trong nhóm béo phì cao gấp ba lần so với nhóm bình thường. Nhóm béo phì có trọng lượng cao hơn nhóm bình thường khoảng 6,8kg. Nghiên cứu mới nhất một lần nữa cung cấp chứng cứ cho thấy virut Ad-36 có ảnh hưởng đến béo phì.

Cấu trúc của Andenovirus-36, một virut gây cảm cúm, nhưng cũng có liên quan đến béo phì

Cần nói thêm rằng những nghiên cứu trên đây chưa chứng minh được Ad-36 là nguyên nhân gây nên béo phì, mà chỉ nói lên mối tương quan giữa virut và béo phì. Để chứng minh mối liên hệ nhân quả cần phải có thêm nghiên cứu - những chứng cứ để chúng ta có lý do nghiên cứu thêm về hội chứng phức tạp như béo phì. Phát hiện mối liên hệ giữa Ad-36 và béo phì cũng không có nghĩa rằng béo phì là một bệnh truyền nhiễm, hay béo phì sẽ được điều trị bằng văcxin.

Những phát hiện mới nhất còn có thể giải thích tại sao béo phì đang gia tăng khá nhanh ở các nước trong vùng Đông Nam Á. Theo thống kê, hiện nay chỉ riêng Thái Lan, tỉ lệ béo phì ở thanh thiếu niên là 15%. Ở nước ta, theo nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng, tại TP.HCM tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em là 12% và tỉ lệ này cũng ghi nhận ở các thành phố lớn. Đó là một tỉ lệ đáng báo động.
Tình trạng game, thức ăn nhanh ở Đông Nam Á chưa lan tràn như ở các nước phương Tây, nhưng tỉ lệ béo phì ở thiếu niên có xu hướng gần bằng các nước phương Tây. Chưa ai biết nguyên nhân cho xu hướng này, nhưng khám phá mối liên quan giữa virut Ad-36 và béo phì có thể là một lời giải thích khả tín.

Theo thống kê ở Mỹ, cứ ba người dân trên 20 tuổi thì có một người béo phì. Ở nước ta, theo tiêu chuẩn cho người châu Á, tỉ lệ người béo phì trong cộng đồng khoảng 25%. Lần đầu tiên trên thế giới, số người béo phì đã vượt qua số người thiếu dinh dưỡng. Béo phì đang là một trong những vấn nạn y tế toàn cầu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét