Bạn em nói uống thuốc nội tiết tố giúp ngực to ra, chỉ cần uống bốn viên thôi, nhưng em không biết ngực có to vĩnh viễn không?”, “Em thấy quảng cáo thuốc ngừa thai D giúp mịn da, giảm cân, em tính uống để giảm cân nhưng không biết có sao không”...
Những lầm tưởng “chết người”Những thắc mắc trên xuất hiện ngày càng nhiều ở các phòng khám chuyên khoa và các diễn đàn sức khỏe. Vì muốn làm đẹp nhanh chóng và rẻ, nhiều chị em tự ý mua thuốc nội tiết tố uống hoặc để các “chuyên gia thẩm mỹ” tiêm silicon lỏng vào cơ thể, kết cục là nhận những hậu quả nặng nề.
Cách đây không lâu, khi khám cho một bệnh nhân ngoài 30 tuổi, ThS.BS Nguyễn Hồng Hoa (giảng viên bộ môn sản Đại học Y dược TP.HCM) phát hiện ở vú chị này có nhiều hạt li ti. Sau một lúc vòng vo, bệnh nhân mới thừa nhận mấy năm trước có bơm “chất gì đó” để “ngực to, đẹp”. Chất này sau đó được xác định là silicon lỏng, đã lẫn trong mô vú. “Ngoài những biến chứng gây mất thẩm mỹ, tiêm silicon cũng gây khó khăn cho việc tầm soát ung thư vú, hiện là căn bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam” - BS Hoa lo lắng.
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Tuyết (chuyên khoa 2 khoa sản Bệnh viện Nhân Dân Gia Định) cho biết nội tiết sinh dục nữ gồm các nội tiết tố của trục hạ đồi - tuyến yên, tuyến sinh dục và tuyến thượng thận, trong đó các nội tiết tố GnRH, LH, FSH và các nội tiết tố steroid sinh dục có tính quyết định trong chức năng sinh sản.
Các steroid chủ yếu do buồng trứng và bánh nhau thai kỳ sản xuất dưới tác động của vùng hạ đồi tuyến yên, gồm estrogen, progesterone và androgen, trong đó estrogen và progesterone là thành phần chủ yếu của các loại thuốc nội tiết tố (gọi tắt của thuốc nội tiết sinh dục nữ) hiện nay.
“Estrogen và progesterone kích thích hệ thống ống dẫn sữa tăng trưởng, nang tuyến sữa phát triển, gây cảm giác vú căng lên; riêng estrogen còn giúp tích tụ mô mỡ dưới da ở vú làm vú to lên. Tuy nhiên khi ngưng thuốc thì ngực cũng hết căng. Do vậy chị em phụ nữ không nên dùng nội tiết tố để “nâng cấp” vòng 1, vì không hiệu quả mà còn bị tác dụng phụ như nám da, tức ngực, buồn nôn, thay đổi tâm tính; nguy hiểm nhất là gây ức chế hoạt động của buồng trứng đưa đến rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, có thể thúc đẩy nhanh hơn nguy cơ ung thư ở những người có mầm mống bệnh...”, bác sĩ Tuyết nói.
Đối với da, ThS.BS Lê Thái Vân Thanh (giảng viên bộ môn da liễu Đại học Y dược TP.HCM) cho biết thuốc nội tiết tố chỉ có ưu điểm trị mụn trứng cá, tuy nhiên nó chỉ là lựa chọn thứ hai của các bác sĩ chuyên khoa, vì không phải dạng mụn trứng cá nào cũng do ảnh hưởng của nội tiết tố.
“Với những trường hợp bị mụn ở tuổi dậy thì, dùng thuốc nội tiết tố sẽ gây ức chế hệ thống trục hạ đồi - tuyến yên chưa hoàn chỉnh dẫn đến ức chế hoạt động của buồng trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này” - bác sĩ Tuyết cảnh báo.
Riêng phụ nữ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh muốn dùng thuốc nội tiết tố để tiếp tục có kinh, với hi vọng “níu kéo” tuổi trẻ và sắc đẹp, bác sĩ Tuyết giải thích: dùng thuốc nội tiết tố thay thế đương nhiên có kinh, nhưng không thể giữ được vẻ tươi trẻ. Vấn đề của họ là cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục, cố gắng giảm stress.
Chỉ sử dụng khi có những triệu chứng thiếu hụt nội tiết tố rõ rệt; trước khi dùng cần khám sức khỏe kỹ và có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn (trưởng khoa tạo hình - thẩm mỹ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết gần đây anh vừa mổ cho một bệnh nhân từng bơm silicon vào ngực. “Bệnh nhân tới bệnh viện trong tình trạng bộ ngực gần như bị cắt toàn bộ, chỉ còn da. Nguyên do sau khi tiêm silicon một thời gian, ngực bệnh nhân bị u cục, đau đớn... buộc phải mổ lấy silicon ra. Tuy nhiên do silicon di trú sang nơi khác, lẫn vào các mô, không thể phát hiện hết nên cứ sau một thời gian bệnh nhân lại bị đau, lại phải mổ...” - ông kể.Tiền mất tật mang
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm silicon lỏng để làm đẹp. Điều đáng lo ngại là phần lớn những người này không tìm hiểu kỹ về “chất làm đẹp” mà họ sắp dùng, miễn là rẻ và có thể giúp họ bù đắp khiếm khuyết của cơ thể.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, silicon có ba dạng: đặc, gel và lỏng. Tuy nhiên silicon lỏng đã bị cấm dùng cho người, trừ một số trường hợp đặc biệt (chủ yếu dùng trong nhãn khoa). Nguyên nhân silicon lỏng có thể gây biến chứng như viêm (viêm phản ứng mô tại chỗ), di chuyển tới nơi khác (di trú)... với những biểu hiện như đổi màu da, vón cục, gây đau...
“Silicon không gây chết người, nhưng nếu kỹ thuật tiêm không đúng hoặc số lượng silicon quá nhiều... đều có thể khiến bệnh nhân tử vong”, BS Tuấn cho biết.
Ông cảnh báo rằng để đánh lừa những người có hiểu biết, gần đây một số người đã dùng silicon lỏng dưới cái tên “mỡ nhân tạo”.
TTO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét